Nếu ai đã từng là độc giả thân thiết của Hải Đường Viên, chắc hẳn bạn sẽ nhận ra chúng mình vừa chuyển đổi blog từ tên miền ‘haiduongvien.wordpress.com’ sang ‘haiduongvien.com’. Blog cũng đang có một giao diện mới, lướt mượt hơn và nhiều tính năng hơn.
Chính bởi những bất cập khi sử dụng blog trên nền tảng miễn phí của wordpress mang lại thế nên mình quyết định chuyển sang blog chuyên nghiệp (tức là sở hữu domain và hosting riêng).
Thế nhưng điều đó không hề dễ dàng. Mình xuất phát là dân tay mơ mảng công nghệ, thế nên mất rất nhiều thời gian nghiên cứu để quyết định có nên chuyển hay không. Một trong những lý do chính là:
Blog cũ Hải Đường Viên hiện đang đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng tìm kiếm google khi gõ từ khóa ‘Hồng Phai Xanh Thắm’. (truyện nhà mình edit mà mình chỉ đứng thứ 2 thôi). Nếu mình chuyển sang blog mới có khả năng sẽ bị mất thứ hạng, mất follower và gần như phải xây trắng từ đầu. Vậy thì việc chuyển đổi blog trở thành công cốc.
Sau một thời gian dài tìm hiểu, cuối cùng mình đã tìm ra phương án vẹn cả đôi đường giữ chân được số lượt xem và follower. Thế rồi, mình tự tay mua domain, hosting, rồi ngồi mày mò làm lại blog Hải Đường Viên.
Thú thực, lúc đầu mình cũng hơi rén, định thuê bạn nào đó làm hộ nhưng vì mình tiếc tiền. Thêm nữa, nhiều bạn IT không biết làm sao để chuyển đổi blog mà vẫn giữ được thứ hạng trên Google nên mình quyết định bấm chí tự làm.
Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết cách chuyển blog từ blog miễn phí trên wordpress.
- Bước 1: Chọn tên miền & hosting
- Bước 2: Kích hoạt giao thức bảo mật SSL cho tên miền
- Bước 3: Cài đặt WordPress cho Blog/Website.
- Bước 4: Sao lưu nội dung trên Blog cũ
- Bước 5: Tải dữ liệu lên blog mới
- Bước 6: Sửa lại link cũ trên blog mới
- Bước 7: Chuyển hướng khách truy cập từ blog cũ
- Bước 8: Cài đặt giao diện cho Blog
- Bước 9: Cài đặt Plugin quan trọng cho blog
- TỔNG KẾT
Không khó đâu, bạn cứ yên tâm nhé.
Bước 1: Chọn tên miền & hosting
Hiểu đơn giản, nếu tên miền là địa chỉ nhà thì hosting chính là khu đất xây dựng nên cái nhà đó. Vì vậy tên miền là địa chỉ cho blog, website của bạn còn hosting là nơi chứa các dữ liệu hình ảnh, video, nội dung.
Hướng dẫn mua tên miền Namecheap
Với blog chuyên nghiệp, bạn sẽ có một tên miền ngắn gọn và đẹp như haiduongvien.com hoặc haiduongvien.org. Bởi vì mình đã có blog sẵn và lượng độc giả nhất định. Thế nên nhiều khi độc giả vào blog của mình chỉ đơn giản là gõ tên ‘Hải Đường Viên’. Vì vậy, mình quyết định mua một tên miền mới giống với tên nhà cũ là haiduongvien.com.
Đợt đó Namecheap có khuyến mãi mua tên miền chấm com có giá 5.98$, nên mình mua ngay lập tức. Namecheap là một trong những đơn vị cung cấp tên miền uy tín trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, giao dịch nước ngoài bạn cần có thẻ visa. Trường hợp bạn không có, bạn bỏ qua bước này và chuyển sang bước 2 mua hosting, tên miền luôn trên AZDIGI cho tiện và đỡ các thao tác phức tạp.
Thứ tự các bước mua tên miền như sau:
- Vào website Namecheap, sau đó ‘Nhập tên miền’ bấm ‘Search’
- Bây giờ trên màn hình sẽ hiển thị danh sách các tên miền đang còn. Đừng lo lắng nếu thấy giá trên giỏ hàng lúc này đang là 7.98$. Sau khi bạn điền mã ‘promo code’ thì giá sẽ giảm xuống sau. Bạn tiếp tục nhấn ‘Check out’ hoặc ‘Add to Cart’
Trường hợp tên miền của bạn không hiển thị trên giỏ hàng thì tức là tên miền đó đã có người sử dụng nhé. Không còn cách nào khác, bạn cần chọn một tên miền khác.
- Tiếp theo, màn hình sẽ hiển thị phần thanh toán thế nhưng để được giảm giá khuyến mãi, bạn cần ‘Đăng ký tài khoản’ và ‘Đăng nhập’ vào Namecheap.
- Sau khi đăng nhập xong, bạn nhấn vào dòng chữ ‘.COM only $5.98’ trên trang chủ. Lúc này màn hình sẽ hiển thị mã code khuyến mãi. Bạn sao chép mã và đi đến giỏ hàng bên góc phải màn hình để tiến hành thanh toán.
- Tiếp tục nhấn vào ô ‘Confirm Order’ và điền các thông tin của bạn để thanh toán.
Ngoài 5.98 $, bạn sẽ có một khoản phí nhỏ gọi là ICANN FEE khoảng 0.18$. Cái này không bắt buộc, bạn có thể lựa chọn hoặc không.
Mục đích của ICANN FEE là bảo vệ các quyền sở hữu của cá nhân doanh nghiệp đối với tên miền và xử lý tranh chấp nếu có.
- Đánh dấu tích vào các ô trống mà bên Namecheap yêu cầu để xác nhận đơn hàng. Bấm ‘Continue’ để thanh toán.
7. Như vậy là xong rồi. Bây giờ, bạn đã chính thức sở hữu một tên miền. Bạn sẽ được Namecheap thông báo qua email và trực tiếp trên đơn hàng vừa thanh toán như thế này.
Bây giờ chúng ta đến bước tiếp theo.
Hướng dẫn mua hosting AZdigi
AZdigi là một trong những đơn vị cung cấp hosting tốt nhất hiện nay tại Việt Nam và cũng là nơi nhận được nhiều đánh giá về dịch vụ chăm sóc khách hàng cực kỳ tốt.
Mình cũng lơ ngơ trong mảng này nên cứ google nghe nhận xét và hỏi loanh quanh một số bạn bè. Mọi người đều khen tốt nên mình mua. Thực sự, mua xong mình rất hài lòng. Mọi vấn đề phát sinh đều được giải quyết rất nhanh. Cứ có vấn đề gì, mình viết ticket gửi bộ phận liên quan, họ trả lời nhanh chóng.
Có lúc mình quên note mã hợp đồng khi thanh toán online, nên phải gửi ticket qua cho kế toán nhờ họ xác nhận lại.
Thêm một vấn đề nữa là giá thành rẻ, máy chủ đặt tại Việt Nam. Nếu có sự cố đứt cáp thì mạng vẫn tốt hơn so với các đơn vị khác có máy chủ đặt ở nước ngoài.
Ngoài ra, có một lưu ý nhỏ mình muốn nhắc bạn thêm. Trong quá trình chuyển đổi blog, mình phải nâng cấp hosting lên 2 lần vì gói mình mua không chứa đủ. Lúc đầu mình không để ý lắm, chỉ chọn mua gói rẻ. sau rồi, phải chuyển qua gói cao hơn. Chỉ riêng bộ ‘Hồng Phai Xanh Thắm’ đã hơn 200 chương.
Thế nên, một lưu ý nhỏ mình muốn nhắc bạn ở đây là nên chọn gói phù hợp với website. Bởi vì bạn mua dung lượng càng lớn thì ưu đãi càng tốt. Ví dụ, gói AZ Pro 2 được tặng 1 domain miễn phí, gói AZ Pro 3 được tặng 2 domain miễn phí. Bạn đỡ mất tiền mua bên Namecheap.
Mình mua gói AZ Pro 1 sau rồi cũng phải úp lên gói AZ Pro 3. Nếu blog của bạn có khoảng hơn 200 đến 300 bài viết thì nên chọn mua gói AZ Pro 2 hoặc 3 luôn nhé.
Thứ tự các bước như sau:
Bạn vào trang chủ AZdigi.com, tiếp đó nhấn vào mục ‘SSD HOSTING’, rồi kéo thanh trỏ xuống phía dưới để thấy bảng giá các dịch vụ Pro hosting như hình trên.
Chọn gói phù hợp và nhấn ‘Đăng ký’.
- Trường hợp bạn đã mua tên miền miền bên ngoài giống mình. Bạn nhấn vào phần ‘Tôi đã có tên miền và sẽ tự cập nhật DNS.’ Sau đó điền tên miền đã đăng ký và chuyển qua bước tiếp theo, thanh toán.
- Nếu bạn chọn gói hosting được tặng tên miền, bạn điền tên miền cần đăng ký và tiếp tục phần thanh toán nhé.
Sau khi thanh toán xong, AZdigi sẽ gửi cho bạn email xác nhận như thế này. Vậy là đã hoàn tất bước mua hosting.
Kết nối (trỏ) tên miền với hosting
Bước này chỉ dành cho bạn nào mua tên miền bên ngoài giống mình nhé. Nếu bạn mua luôn tên miền trên AZdigi thì bỏ qua bước này. Vì bên phía AZdigi sẽ tự động kết nối cho bạn luôn rồi.
Có nhiều cách kết nối tên miền với hosting, nhưng mình thấy kết nối thông qua NameServer là đơn giản nhất. Vậy nên, mình sẽ hướng dẫn cho bạn các bước đơn giản như sau:
Bước 1: Đăng nhập vào trang chủ Namecheap. Sau đó, màn hình sẽ hiển thị như bên dưới, bạn nhấn vào chữ ‘Manage’.
Bước 2. Đi đến phần ‘NAMESERVER’ trên màn hình, chọn ô ‘Custom DNS’, sau đó nhập nameserver của Azdigi vào.
Mỗi loại Hosting trên AZdigi sẽ có Nameserve khác nhau. Gói AZdigi Pro, Hosting Turbo Cloud sẽ có nameserver là:
- ns3.azdigi.com
- ns4.azdigi.com
Bạn nhập theo thứ tự giống như hình bên dưới nhé.
Trường hợp bạn không chắc chắn về nameserver của hosting mà bạn đang sử dụng hãy liên hệ bộ phần hỗ trợ của Azdigi hoặc kiểm tra email AZdigi xác nhận gói hosting bạn đã mua. Họ có đính kèm thông tin về nameserver.
Như vậy là xong, giờ thì bạn chỉ cần kiểm tra lại lần nữa xem bạn kết nối tên miền thông qua NameServer thành công chưa bằng cách truy cập vào trang who.is.
Nhập tên miền của bạn và xem kết quả trả về. Nếu có thông tin về Nameserver như đã nhập tức là thành công, nếu chưa bạn thử chờ thêm 30 phút rồi kiểm tra lại.
Bước 2: Kích hoạt giao thức bảo mật SSL cho tên miền
Giao thức bảo mật SSL (Secure Sockets Layer) là dòng https:// màu xanh hiển thị ngay phía trước tên miền khi chúng ta khi cập vào blog hoặc website.
Hiểu cơ bản đây là một tiêu chuẩn về an ninh công nghệ toàn cầu tạo ra một liên kết giữa máy chủ web và trình duyệt. Liên kết này đảm bảo tất cả các dữ liệu trao đổi giữa máy chủ web và trình duyệt luôn được an toàn và bảo mật. Không bị hacker tấn công
Tất cả các gói hosting của AZdigi đều miễn phí kích hoạt giao thức SSL.
Để kích hoạt, bạn đăng nhập vào tài khoản Cpanel trên trang AZdigi bằng cách nhấn vào mục ‘Xem chi tiết’ như hình dưới. Thông tin đăng nhập bạn kiểm tra lại email mà AZdigi đã gửi khi bạn đăng ký hosting thành công.
Tiếp theo, đi đến mục ‘SECURITY‘ chọn ‘SSL/TLS Status‘.
Tiếp tục, bạn nhấn chọn ‘Run to SSL’, lúc này bên dưới đang hiển thị ổ khóa màu đỏ. Sau khi kích hoạt xong giao thức SSL, ổ khóa sẽ chuyển sang màu xanh.
Như vậy là cài đặt xong SSL cho tên miền.
Bây giờ chúng ta đến phần quan trọng nhất, cài đặt WordPress trên cPanel.
Bước 3: Cài đặt WordPress cho Blog/Website.
Trong phần Cpanel, bạn kéo thanh trỏ xuống phía dưới, đi đến biểu tượng WordPress và nhấn vào biểu tượng đó.
Tiếp theo, màn hình hiển thị sang trang mới, bạn điền thông tin như hình dưới và nhấn vào nút ‘INSTALL’.
Ở bước này mình bỏ qua bước chọn giao diện (Themes) và nhấn ‘Install’ luôn. Mình sẽ cài đặt giao diện sau hoàn tất phần chuyển đổi từ blog cũ qua blog mới..
Vậy là xong phần móng cho Blog mới, giờ chúng ta cần đăng nhập vào blog cũ và bắt đầu quá trình chuyển đổi.
Bước 4: Sao lưu nội dung trên Blog cũ
Đầu tiên, chúng ta cần sao lưu lại tất cả nội dung của Blog cũ trên WordPress.com.
Truy cập vào trang quản trị của blog cũ theo địa chỉ: your-domain/wp-admin
Đi tới mục ‘TOOL‘, chọn ‘ EXPORT‘.
Bạn tiếp tục nhấn vào mục ‘Export all’.
Một vài phút sau, bạn sẽ nhận được thông báo đã ‘Export’ thành công như hình trên và nhận email với tất cả file dữ liệu. Nhấn vào ‘Download’ để tải dữ liệu về máy.
Mở nén file dữ liệu vừa tải về. (hiển thị đuôi tệp xml)
Bước 5: Tải dữ liệu lên blog mới
Quá trình sao lưu dữ liệu cũ đã xong, bây giờ chúng ta tiến hành tải dữ liệu cũ lên blog mới.
Đăng nhập vào trang chủ của blog mới. Bạn có thể vào từ cPanel hoặc đăng nhập trực tiếp từ WordPress.org (sử dụng tên đăng nhập vào mật khẩu bạn đã điền khi cài đặt wordpress trên Cpanel)
Lúc này, màn hình hiển thị trang quản trị giống như WordPress.com. Hãy đi đến ‘Tool’, nhấn ‘Import’.
Nhân ‘Run Importer’ để cài đặt plugin tải dữ liệu lên website mới. Kích hoạt plugin này. Màn hình sẽ hiển thị như bên dưới. Bạn nhấn ‘Choose file’, chọn file dữ liệu đã nén và tiếp tục nhấn ‘Upload file and import’ tải lên.
Khi bắt đầu nhập dữ liệu, bạn sẽ có tùy chọn gán nội dung cho các user hiện tại hoặc tạo user mới. Tức là ai đăng bài nào thì sẽ hiển thị đúng như vậy nếu bạn lựa chọn theo các user đã có.
Ngoài ra, dữ liệu của website của mình khá là lớn nên mình gặp một số sự cố khi tải file dữ liệu lên như sau:
- Trang quản trị đột ngột dừng import mà không thông báo. Mình tiếp tục tải file lên và import lại lần nữa. Cứ như vậy import cho đến khi xong.
- Nếu dung lượng hosting không đủ, quá trình import dữ liệu sẽ dừng lại và hiển thị như hình dưới. Mình vào cPanel kiểm tra dung lượng và mua gói hosting mới. Xong rồi lại tiếp tục quá trình ‘Import’ dữ liệu.
Mình mất khoảng 2 -3 ngày để Import xong dữ liệu. Đến khi nhận được thông báo trên màn hình All Done. Have Fun! tức là việc import dữ liệu hoàn tất.
Bước 6: Sửa lại link cũ trên blog mới
Một số trang truyện của mình có gắn link theo từng chương. Những link này đang kết nối về blog cũ. Thế nên, mình dùng một plugin tự động sửa lại tất cả các link về blog mới: Velvet Blues Update URLs.
Các bước rất đơn giản. Bạn vào ‘Plugin’, phần ‘Add new’.
Nhập tên plugin ‘Velvet Blues Update URLs’, nhấn ‘Install’. Sau khi cài đặt xong, kích hoạt plugin.
Tiếp đến vào mục ‘Tool’, chọn ‘Update URL’
Nhập địa chỉ blog cũ và blog mới như hình. Tích vào tất cả các tùy chọn bên dưới.
Sau đó nhấn ‘UPDATE URL NOW’.
Như vậy, bạn đã cập nhật xong toàn bộ link URL cũ trên blog thành link URL mới. Bạn có thể thử kiểm tra bất kỳ link trên blog xem bài viết đẩy về trang nào nhé.
Giờ chúng ta đến phần chuyển hướng khách truy cập từ blog cũ sang blog mới và duy trì thứ hạng google khi độc giả gõ từ khóa tìm kiếm.
Bước 7: Chuyển hướng khách truy cập từ blog cũ
Đây là phần mình tìm kiếm nhiều nhất và là động lực để mình chuyển qua blog mới. Nếu không giữ được thứ hạng SEO trên google và lượng độc giả mà Hải Đường Viên đang có thì không cần chuyển đổi lên blog chuyên nghiệp làm gì.
Thật may mắn, WordPress.com đưa ra phiên bản nâng cấp có tính phí gọi là Site Redirect để giải quyết vấn đề này cho chúng ta. Chi phí cập nhật là 13$/ 1 năm (khoảng 300.000 vnđ tùy theo tỷ giá)
Có nghĩa là độc giả khi vào trang blog cũ haiduongvien.wordpress.com, website sẽ tự động chuyển hướng về blog mới haiduongvien.com. Như vậy, bạn không phải lo lắng về vấn đề mất đi độc giả đã gắn bó lâu năm với blog.
Để thực hiện phần này, bạn truy cập vào trang quản trị của blog cũ. Nhấn vào mục ‘SETTING’ đi đến phần ‘General’, tiếp theo click vào chữ ‘redirect’ như hình dưới.
Trên màn hình sẽ hiển thị thông tin như hình dưới. Bạn nhập tên miền, nhấn chữ ‘GO’ và đi đến phần thanh toán.
Giờ bạn chỉ việc điền thông tin thanh toán nữa là xong.
Bước 8: Cài đặt giao diện cho Blog
Giao diện cũ của mình bị hạn chế nhiều thứ. Thế nên mình tìm giao diện mới cho blog, ít nhất có khoảng 2 -3 cột dọc. Để có thể thêm một số thông tin khi cần.
Hiện blog Hải Đường Viên đang dùng giao diện miễn phí của WordPress tên là Pressbook New. Thực lòng, mình rất ưng ý với giao diện này, từ phông chữ đến bố cục website đơn giản mà thuận tiện cho độc giả sử dụng.
Nếu bạn không tìm thấy giao diện nào ưng ý sẵn có trên wordpress, bạn có thể mua bên ngoài. Tuy nhiên, hãy lựa chọn các đơn vị cung cấp themes uy tín, cẩn thận dính mã độc.
Về cơ bản các bước cài đặt giao diện giống bên WordPress.com. Bạn vào phần Appearance > Theme, chọn ‘Add New Theme’.
Lúc này cửa sổ hiện lên rất nhiều giao diện cho bạn lựa chọn. Tùy thuộc sở thích cá nhân, mục đích của blog phục vụ cho lĩnh vực nào, bạn chọn giao diện sao cho phù hợp.
Nếu mua hoặc sử dụng Themes bên ngoài, bạn tải Themes về và úp lên WordPress bằng cách nhấn vào mục ‘Upload Theme’
Bước 9: Cài đặt Plugin quan trọng cho blog
Mỗi một Plugin như bộ công cụ hỗ trợ bạn phát triển blog một cách tốt hơn. Dưới đây là một số Plugin quan trọng mà mình đã cài đặt và sử dụng.
Jet Pack
Jetpack là plugin WordPress tập hợp các plugin nhỏ cho bạn dễ dàng tùy chỉnh.
Với mình Jetpack quan trọng bởi vì mình cần chuyển các follower trên blog cũ qua blog mới. Và Jetpack hỗ trợ vấn đề này. Thêm vào đó, Jetpack có chức năng chia sẻ trên mạng xã hội và nút like, theo dõi bài đăng tương tự như blog trên WordPress.com.
Ngoài ra, Jetpack giúp kiểm soát các hoạt động tấn công website và các hoạt động đăng nhập đáng ngờ. Có rất nhiều lợi ích khi cài đặt Jetpack, nếu có thời gian bạn tìm hiểu thêm nhé.
DMCA
DMCA (Digital Millennium Copyright Act) là luật bảo vệ bản quyền tác giả của Mỹ. Đây là một plugin giúp bạn bảo vệ bản quyền của các bài viết, các tác phẩm số và công nghệ.
Chính vì vậy, khi cài plugin này, DMCA bảo vệ website của bạn trước hành vi sao chép nội dung. Một vấn đề thường xảy ra khi chúng ta edit truyện ngôn tình và ngày mai bị bê tràn lan trên mạng.
DMCA có cả phiên bản miễn phí và trả phí. Với miễn phí, bạn vẫn có thể được hỗ trợ tìm kiếm khoảng 2 trang web vi phạm bản quyền. Bạn tự gửi yêu cầu tới DMCA, họ sẽ xem xét yêu cầu của bạn và phản hồi.
Còn gói trả phí là 199 $/1 năm với nhiều lợi ích nhu miễn phí 10 lần yêu cầu gỡ nội dung vi phạm trong vòng 1 năm. DMCA tự làm việc trực tiếp tới các trang web vi phạm và xử lý. Bạn đọc thêm hướng dẫn cài đặt ở đây.
Rank Math
Để blog có nhiều lượt đọc, tối ưu hóa từ khóa tìm kiếm là điều cần thiết. Rank Math chính là plugin đề xuất các chiến lược nội dung giúp bạn tối ưu hóa trên công cụ tìm kiếm.
Bởi vì, blog miễn phí trên WordPress.com không được tùy ý cài đặt plugin để sử dụng. Thế nên, khi gõ bộ ‘Hồng Phai Xanh Thắm’, bạn thấy website nhà mình chỉ đứng vị trí thứ hai.
Ngoài ra còn có một plugin nữa rất tốt trong việc tối ưu hóa từ khóa tìm kiếm là Yoast SEO. Tuy nhiên, Rank Math nổi trội hơn trong việc giúp bạn theo dõi tổng quan website bằng cách đưa ra các chỉ số và đánh giá dự trên GG Analytics và Search Console:
- Số bài viết được tối ưu ( Xanh, Vàng, Đỏ).
- Search traffic, Impressions, Total Keywords, Position.
- Top Keywords, Tracked Keywords.
- Top 5 Winning Posts ( các bài viết có thứ hạng tăng).
- Lịch sử vị trí từ khóa.
Từ đó, bạn biết nên điều chỉnh nội dung, từ khóa cho phù hợp với nhu cầu độc giả. Nếu bạn chưa am hiểu về SEO, mình sẽ hướng dẫn bạn ở bài viết khác hoặc tìm hiểu thêm ở đây.
TỔNG KẾT
Vậy là bạn đã hoàn tất quá trình chuyển blog từ blog miễn phí trên wordpress. Việc này có lẽ chiếm khá nhiều thời gian của bạn. Giờ thì bạn đã có đầy đủ bộ công cụ để bắt đầu đăng các bài viết và khám phá các trải nghiệm mới mẻ.
Ở bài viết này mình đã hướng dẫn chi tiết cách chuyển blog từ blog miễn phí trên wordpress. Thứ tự các bước có thể linh hoạt thay đổi thứ tự tùy theo mong muốn của bạn. Trong quá trình này chuyển đổi Blog, có lẽ bạn sẽ gặp một vài sự cố khó khăn. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy để lại bình luận bên dưới hoặc liên hệ đến mình nhé.
Ngoài ra, bạn có thể đăng ký làm đối tác với Google Adsense được rồi. Thời gian xét duyệt sẽ mất hai đến ba tuần hoặc lâu hơn vì blog bạn còn mới. Bạn cứ kiên nhẫn chờ nhé. Mình sẽ hướng dẫn bạn cách đăng ký làm đối tác với Google Adsense trong bài viết khác.