“Một người dịch giỏi là một người có đôi tai rất bén nhạy” – Haruki Murakami
Hồi năm nhất đại học, mình đọc ngôn tình như một đứa nghiền thuốc. Mình đọc liên tục, cày ngày cày đêm, hết bộ này đến bộ khác. Khi ngốn hết những cuốn đã được chuyển ngữ rồi, mình chuyển sang đọc thể loại truyện đã được dịch thô. Từ ngữ thì trúc trắc, hầu hết đều là từ Hán Việt mà mình vẫn đọc hết mấy trăm chương, mấy chục nghìn trang. Bộ nào hay quá, đọc đi đọc lại vẫn thấy cuốn thì mình sẽ chuyển ngữ bộ đó.
Đó là khoảnh khắc mắc dịch ập đến với mình. May mắn gặp được đồng bọn là chị Kam Linh, hai chị em cùng nhau chuyển ngữ bộ ‘Hồng Phai Xanh Thắm’. Một thời gian sau, công việc bộn bề khiến mình chỉ tham gia nửa hành trình chuyển ngữ rồi dừng lại, nhờ chị Kam Linh luôn kiên trì và team có thêm một số bạn tham gia cùng nữa nên mới đi hết chặng đường.
Nói về điều mình tự hào nhất về bộ truyện này chính là cách sử dụng văn phong, đại từ xưng hô như thế nào để truyền tải đến độc giả Việt Nam. Giữa muôn ngàn cuốn ngôn tình trước đó đã ra đời, mình và chị Kam Linh lựa chọn quay về với ngôn ngữ thuần Việt. Nghiên cứu nhiều cuốn sách đã được dịch chính thống lúc đó và lựa chọn theo cách hành văn của cuốn ‘Hồng Lâu Mộng’. Mấy năm rồi nhìn lại, khi càng đọc nhiều và tiếp cận nhiều dịch giả khác, mình vẫn thấy đó là một quyết định sáng suốt.
Trong suốt quá trình làm bộ ‘Hồng Phai Xanh Thắm’ mình nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều về việc cách chuyển ngữ của nhà mình. Mình cũng xin ghi nhận tất cả các ý kiến đó. Thế nhưng, quan điểm của mình, bản chuyển ngữ trọn vẹn nhất là làm sao để một người chưa bao giờ đọc ngôn tình, chưa xem phim Trung đọc tác phẩm này vẫn có thể cảm nhận được cái hay của đó. Đó là mục đích vì sao nhà mình lựa chọn đi theo lối này.
Có thể bạn cũng biết, trong tiếng Trung chỉ có 3 đại từ xưng hô đó là ‘tôi’, ‘bạn’ và đại từ xưng hô ở ngôi thứ ba. Trong khi đó tiếng việt mình lại có muôn vàn cách xưng hô, chưa kể đến vùng miền. Ngôi thứ nhất có tôi, tớ, mình, em rồi người lớn tuổi gọi là chú, bác, cô, dì. Người trong gia đình lại còn nhiều cách xưng hô theo thứ bậc. Cái khó nhất khi chuyển ngữ đó là lựa chọn ngôn từ xưng hô nào thì đúng với ngữ cảnh, đúng với thứ bậc.
Ví như lúc ông trường sử nói chuyện với Lý Tín, ông gọi mày, tao, bởi vì trường sử khinh thường bọn lưu manh. Rồi lúc Lý Tín nói chuyện với A Nam thì gọi là tôi, cậu bởi vì giữa hai người họ vừa là anh em, vừa là bạn bè, mối quan hệ thân thiết bền chặt.
Ngoài ra, một yếu tố tiên quyết để có một bản dịch hay là khi độc giả đọc lên, từng câu từng chữ có vần có điệu, mượt mà uyển chuyển. Đúng như Murakami nói như ‘có nhạc trong tai’. Độc giả thả hồn vào tác phẩm, cứ thế bị cuốn đi.
Mỗi lần mình lật giở từng trang sách ‘Hồng Lâu Mộng’, mình không ngừng thán phục các dịch giả xưa. Mỗi một câu chuyển ngữ cũng mang cả ý thơ trong đó. Ngày nay, mọi người được tiếp cận kiến thức nhiều hơn, xem phim nhiều hơn nên chúng ta dần tiếp nhận và lầm tưởng đó là ngôn ngữ của mình. Nhưng thực ra thì không phải, tiếng Việt đâu có xưng hô ‘thẩm’ ‘thúc’ đâu, tiếng việt mình cũng không có những từ như ‘ai nha’ mà có từ ‘èo’ ‘úi giời’.
Chỉ cần chịu khó thay bạn sẽ thấy sắc thái biểu cảm của câu đẹp lên biết bao. Nhiều khi, dùng hay bỏ một từ tụi mình phải đắn đo rất nhiều. Có nên dùng từ này không, từ này trong tiếng việt có không, nếu giữ thì vì sao. Soi chiếu cách người Việt mình nói với nhau, để lựa chọn từ ngữ phù hợp với văn cảnh.
Chúng mình lựa chọn đi con đường khó hơn, xoắn não hơn để bản dịch/ edit của tụi mình được chuyển ngữ một cách trọn vẹn nhất. Tu luyện đến bước ‘có nhạc trong tai’, cần rất nhiều năm kinh nghiệm và cần có vốn từ phong phú, hy vọng có một ngày chúng mình đạt được đến bước này.
Với riêng mình (Riva) thì chuyển ngữ một tác phẩm là một hành trình chơi chữ. Mình thích tận hưởng hành trình đó. Đó là lý do mình chọn tiếp tục công việc này, mong có một ngày được trở thành một dịch giả chính hiệu.
Cuối năm, tự nhiên muốn viết đôi lời tâm sự cùng các bạn độc giả. Lý do vì sao chúng mình lựa chọn đi theo cách chuyển ngữ này. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ và yêu thương tụi mình.
Nàng chuyển ngữ rất hay, văn trong sáng, giàu hình ảnh. Câu chuẩn…
Chúc cho Nàng có chuyến du lịch cuối năm vui vẻ, nhiều kỉ niệm, nạp đủ năng lượng cho một năm mới thành công…
Nhân Nàng nói về chuyện chuyển ngữ, mình kể chuyện này. Có 1 lần, mình đọc 1 cuốn truyện dịch của Nga. Dịch giả dịch 1 câu xưng hô của người chồng với vợ yêu của mình là: “Một nửa của tôi ơi…”. Tự nhiên mình mất cảm tình với bản dịch. Một nửa của tôi… đọc có vẻ rất trân trọng vợ nhưng người Việt ko nói vậy. Người Việt sẽ gọi là: “Mình ơi…” nghe nhẹ nhàng và thân thương hơn. Ko chỉ là một nửa mà “mình” là một, là nguyên vẹn.
Đúng nhờ. Nghe câu ‘mình ơi’ thấy hay hơn biết bao mà vẫn sát với nguyên tác. Tiếng việt mình đa dạng thật đấy.
Mặc dù dịch thuật cần tôn trọng nguyên tác nhưng cũng cần phù hợp với văn hóa và ngữ cảnh. Không có quy tắc cụ thể nào khi chuyển ngữ, nhưng mà người đọc cảm nhận thế nào chính là kim chỉ nam tốt nhất cho dịch giả.
Chúc Nàng nghỉ lễ vui vẻ, năm mới thành công nhen. ?? Cảm ơn Nàng nhìu lắm.
Mình đọc ngôn tình cũng hơn 10 năm rồi số truyện đọc dài k nhớ nổi. Nhưng có một điều là truyện nào được chuyển ngữ thuần Việt sẽ làm mình nhớ lâu hơn những truyện dính nhiều sạn chuyển ngữ.
Nhà bạn mình mới đọc Hồng phai xanh thắm trọn vẹn vì những truyện kia k hợp gu mình. Nhưng HPXT là một trong những bộ mình thích nhất phần vì nội dung phần vì cách chuyển ngữ của các editor.
Rất nhiều bạn editor làm truyện nhưng không chú trọng đến ngôn từ thuần Việt làm cho nhiều truyện hay biến thành dở, thậm chí mình cảm thấy thà đọc convert còn hơn. Thực sự rất lãng phí. Chưa kể thế giới ngôn tình làm ảnh hưởng khá nhiều đến cách dùng từ của giới trẻ, trên fb bây giờ đặc biệt là các trang Cbiz, các bạn trẻ bị lậm nhiều từ phiên âm Hán. Thực sự buồn.
Dù gần đây mình chưa theo dõi tiếp bộ nào nhà bạn nhưng tin rằng mình sẽ đợi đc những bộ khác hay như mong đợi.
Cảm ơn chia sẻ của bạn. Thú thực sau bộ HPXT, gần đây nhà mình mới bắt đầu làm bộ tiếp theo.
Bẵng một thời gian mình học viết rồi quay về với chữ nghĩa mới thấy nhiều hơn, mở mang hơn. Và yêu thích việc vật lộn với con chữ nên mới quay trở lại.
Có lẽ dịch hay cũng phần nhiều nhờ sự trưởng thành và dày dặn của dịch giả nữa. Kiểu như Gừng càng càng cay. Thế nên, trải qua bao nhiêu thời gian mình mới trưởng thành hơn rất nhiều, edit chắc tay hơn. Hồi đầu làm HPXT vẫn còn lộm cộm lắm, khác hẳn so với bây giờ. Hôm nào rảnh mình sẽ ngồi biên tập một lượt để HPXT được trọn vẹn hơn.
Điều mình yêu thích nhất là bộ Hồng Phai do cách chuyển ngữ đặc biệt nên ai hợp sẽ thấy hay và thấm đẫm tình người. Mặc dù khen chê đều có cả, nhưng mỗi lần đọc cảm nhận của độc giả về bộ truyện luôn khiến mình thấy xúc động và có chút tự hào về công sức, nỗ lực đã bỏ ra. Đó là một sự thành công lớn của những người làm editor như chúng mình.